Diễn Đàn SEO - vnseo.edu.vn - Một số đường dây thu mua iPhone cũ tại các nước phát triển, phần lớn đây là rác công nghệ rồi chuyển tới Thẩm Quyến (Trung Quốc) đóng lại và nhập về Việt Nam để bán. iPhone 3GS đã chính thức bị dừng sản xuất từ tháng 9/2012 khi Apple giới thiệu ra thị trường mẫu iPhone 5. Tuy nhiên, model này vẫn khá phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là một số vùng nông thôn thời gian gần đây, nhờ mức giá rẻ, cấu hình vẫn đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản. Theo thông tin từ người bán, những chiếc iPhone 3GS này là hàng cũ, chất lượng đạt từ 95 - 98% so với nguyên bản, nhưng trên thực tế, đây phần lớn đều là những mẫu máy đã được đóng lại tại Trung Quốc. Cầm máy trên tay, người dùng rất khó để phân biệt hàng đóng lại với sản phẩm thông thường. Có một đặc điểm chung là các máy này đều có vỏ không mới nhưng lại không hề xước xát. Ngoài ra, các phím cứng của máy (như phím Home, tăng giảm âm lượng hoặc cần gạt để tắt loa/âm lượng) đều cứng và khó bấm hơn so với thông thường. Theo anh Đỗ Minh H., kỹ thuật viên của một cửa hàng iPhone trên phố Hai Bà Trưng, Hà Nội, kỹ thuật đóng, dựng sản phẩm, đặc biệt là iPhone đời cũ như iPhone 3GS, được thực hiện rất bài bản và có tổ chức. Theo đó, sẽ có một số đường dây mua lại iPhone cũ tại các nước phát triển, phần lớn đây là rác công nghệ (giống như các dòng TV nội địa ngày xưa). Các đường dây này đóng gói, thu mua sản phẩm theo lô, phần lớn là máy hỏng từ các hệ thống bảo hành, các cửa hàng di động, thậm chí từ trong các nhà mạng tuồn ra. Những lô hàng nói trên hầu hết được đưa về Trung Quốc, chủ yếu tập trung tại Thẩm Quyền. Ở đây, người Trung Quốc sẽ lựa, kiểm tra, nếu máy nào có phần cứng tốt, còn sử dụng được họ sẽ làm mới vỏ để bán tiếp. Nếu máy bị lỗi (có thể do hỏng màn hình, kết nối, chip, bo mạch...) họ sẽ bóc tách ra, thêm linh kiện cho chuẩn, rồi đóng lại máy để bán. Anh H. cho biết, những chiếc iPhone 3GS hàng đóng lại chủ yếu chạy qua Việt Nam, một số nước Nam Á, thậm chí sang cả Mỹ Latin, bởi đây là những thị trường “tiềm năng”. Về chất lượng các sản phẩm hàng đóng lại này, anh T. - một chủ cửa hàng điện thoại xách tay tại Thái Hà, Hà Nội cho biết: “Phần lớn các sản phẩm dạng này đều có chất lượng tương đối tốt do công nghệ đóng lại đã rất hoàn thiện. Thậm chí, vẫn có những sản phẩm chỉ thay vỏ ngoài hoặc màn hình, còn main và các bo mạch vẫn còn giữ nguyên”. Anh T. cho biết, chi phí để đóng lại một chiếc điện thoại iPhone 3GS trung bình khoảng 1,3 triệu đồng. Trừ các khoản phí vận chuyển và các hao phí khác, máy sẽ có giá khoảng 1,7 triệu khi về Việt Nam. Sau đó, cửa hàng hoặc dân buôn nhập về bán với mức giá dao động từ 2 đến 2,4 triệu đồng. Tuy nhiên, chiếc iPhone 3GS này bị lỗi thời ở thành thị, còn ở nông thôn đang trở thành món hàng thời thượng. Đơn giản vì nó rẻ và “dùng vẫn mượt mà”. Anh Đ. - 28 tuổi - người vừa sắm một chiếc iPhone 3GS màu trắng với giá 2 triệu đồng tại một cửa hàng di động tại huyện Thanh Hà, Hải Dương, cho biết: "Mình đã tham khảo khá nhiều trước khi chọn mua iPhone 3GS. Chủ cửa hàng cũng nói rõ đây chỉ là máy cũ, phụ kiện lô nhưng máy dùng vẫn mượt, đáp ứng đủ yêu cầu hàng ngày nên vẫn mua". Anh Đ. cho biết, ngoại trừ một số nhân vật “VIP” tại xưởng may nơi anh làm việc có sở hữu iPhone 4, 4S hoặc Galaxy S3, Note 2, những người làm công nhân như anh chủ yếu chọn iPhone 3GS. Người này truyền tai người khác, xưởng may với khoảng gần trăm công nhân nơi anh làm việc đang tiến hành “phổ cập” iPhone 3GS. Tại cửa hàng bán điện thoại di động nói trên, những chiếc iPhone 3GS đang là mẫu di động bán chạy tại đây. Chỉ trong khoảng vài tiếng, anh T. – chủ cửa hàng – nhận được gần chục cuộc điện thoại hỏi và đặt hàng mẫu điện thoại này. Anh T. cho biết: “Trong tầm giá xấp xỉ 2 triệu đồng, không sản phẩm nào qua mặt được iPhone 3GS. Khách mua ở đây phần lớn đều đã biết đến thương hiệu iPhone nên chỉ chọn sản phẩm này”. Trong phạm vi khoảng một cây số xung quanh, có đến vài cửa hàng giống như của anh T và chủ yếu nhắm đến mặt hàng iPhone 3GS. Model này như là sản phẩm kinh doanh chính. nguồn: tinmoi.vn