Giải pháp khi bạn đời trở nên xa cách

Thảo luận trong 'Giải Trí' bắt đầu bởi ngocluu1991, 15/8/13.

  1. ngocluu1991 Banned

    Tham gia ngày:
    10/8/13
    Cuộc hôn nhân nào cũng có lúc thăng lúc trầm, lúc thật gần gũi hạnh phúc nhưng có lúc lại thật xa lạ và lạc lõng ngay bên cạnh bạn đời của mình. Nếu bạn rơi vào tình huống đó, hãy làm theo 10 bước đơn giản dưới đây để tăng cường sự gắn bó giữa hai người.

    1. Tôn trọng sự khác biệt

    Khi sự căng thẳng lên cao, “một nửa” của bạn có thể khao khát có được không gian riêng biệt. Ở đó, anh ấy có thể kiểm soát sự lo lắng của mình bằng cách chú tâm nhiều hơn vào công việc hay thậm chí là thu mình vào các hoạt động thể dục thể thao. Tuy nhiên, bản thân bạn thì lại có cách vượt qua căng thẳng khác so với anh ấy, ví dụ như bạn lại muốn gần gũi hơn với chồng để giải tỏa căng thẳng của bản thân. Thực tế thì không cần phải đánh giá hay xác định xem cách của ai tốt hơn, của ai tệ hơn. Điều cơ bản ở đây là sự khác biệt.

    Mặc dù sẽ rất lý tưởng nếu chúng ta có thể cân bằng giữa sự tách biệt và sự gần gũi, nhưng thực tế thì mỗi người có nhu cầu về không gian riêng và sự gần gũi khác nhau ở những thời điểm khác nhau. Hôn nhân đòi hỏi sự tôn trọng về những khác biệt đó. Chính vì thế, đừng vội chỉ trích sự xa cách này của anh ấy.

    2. Không cá nhân hóa mọi chuyện

    Có thể bạn đã kết hôn với một anh chàng kín đáo và không thích “tám” sau mỗi bữa tiệc tối. Nếu bạn coi nhu cầu được ở một mình của chồng là điều hoàn toàn bình thường thì bạn sẽ có thể bình tĩnh hơn trong việc tìm cách kết nối với chồng thay vì đòi hỏi điều đó một cách giận dữ hay lo lắng.

    3. Không đeo bám

    Khi thất vọng và bực bội vì sự “vắng mặt” của bạn đời, chúng ta có thể dễ dàng lao vào một “cơ chế đeo bám”. Tuy nhiên, điều này chỉ làm cho mọi việc tồi tệ hơn mà thôi. Nếu bạn đuổi theo một người đang xa bạn thì người ấy chỉ ngày càng trở nên xa cách hơn. Hãy coi đó là một quy luật vật lý. Khi đang căng thẳng thì đừng làm mọi việc căng thẳng hơn.

    4. Giảm căng thẳng

    Loại bỏ cơ chế đeo bám cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt sự căng thẳng của bản thân. Sự căng thẳng ở đây thể hiện ở những bài “lên lớp” to tiếng với vận tốc như tên bắn, hoặc việc nói quá nhiều, hoặc đề nghị giúp đỡ hay đưa ra lời khuyên khi không cần thiết. Đây không phải là vấn đề đúng hay sai trong tính cách của bạn. Nó đơn giản là vì sự căng thẳng sẽ tạo nên khoảng cách. Đôi khi, những câu nói dài dòng hay sự sắc bén trong giọng nói của bạn sẽ đẩy bạn đời ra xa gia đình hơn.

    5. Để anh ấy có “khoảng trời riêng”

    Nếu bạn có thói quen lượn lờ xung quanh hoặc đưa ra lời khuyên của mình mỗi khi anh ấy nấu cơm, gấp quần áo, hay cho lũ trẻ đi ngủ thì tốt hơn là hãy đi sang phòng khác - nơi bạn không thể quan sát việc anh ấy đang làm. Đừng nhắn tin hay gọi điện nếu không thực sự cần thiết. Hãy nhớ rằng anh ấy sẽ cởi mở nhất khi không bị bạn đeo bám hay chỉ trích.

    6. Hãy hẹn hò, đừng phán đoán

    Khi bạn muốn có sự kết nối nhiều hơn và sâu sắc hơn với bạn đời của mình, hãy gợi ý một hoạt động nào đó, ví dụ như: “Em nghe nói có một nhà hàng mới mở gần đây. Anh có muốn thử đến đó xem thế nào không?”. Đừng bao giờ đoán già đoán non về “một nửa” của mình; ví dụ như “Em có cảm giác anh không còn nồng nàn nữa”, hay về hôn nhân của mình: “Chúng ta gần như không hề giao tiếp với nhau nữa”. Thay vào đó, hãy nói về việc hai người không nói với nhau như thế nào và cố gắng thử trò chuyện lại với nhau xem sao.

    7. Theo đuổi mục tiêu của mình thay vì bạn đời

    Hãy chuyển hướng sự tập trung của bạn từ bạn đời sang định hướng cuộc sống của chính bạn. Bạn muốn phát triển năng khiếu hay sở thích nào của mình? Bạn có mục tiêu nghề nghiệp không? Bạn muốn có thêm bạn mới và dành thêm nhiều thời gian với những người bạn cũ của mình không? Bạn có tập thể dục, ăn uống tốt, và quan tâm đầy đủ đến bản thân mình hay không? Bạn muốn xây dựng một mô hình gia đình như thế nào? Tập trung vào chính bản thân mình là một giải pháp tốt nhất để tránh chú tâm quá mức vào bạn đời.

    8. Thay đổi bản thân

    Khi bạn nhận thấy rằng, nếu ở nhà thì mình sẽ gây áp lực lên bạn đời về việc giao tiếp thì hãy đi chơi với bạn bè. Nếu bạn cùng anh ấy đi xem phim và bạn thấy tức giận vì anh ấy không hề nắm tay bạn thì sau khi rời khỏi rạp chiếu phim hãy chỉ nói đến bộ phim chứ đừng nói gì về cảm giác tổn thương của mình. Hãy chủ động và sáng tạo trong chuyện làm giảm sự căng thẳng giữa hai vợ chồng, kể cả khi đó là điều cuối cùng bạn muốn làm.

    9. Làm ấm trái tim anh ấy

    Không đeo đuổi anh ấy nữa không có nghĩa là phải gia tăng khoảng cách với bạn đời hay trở nên lạnh lùng với anh ấy. Hãy làm những điều thật đặc biệt mà bạn biết rằng sẽ khiến anh ấy cảm thấy mình có giá trị. Hãy ca ngợi những điều thật nhỏ bé ở anh ấy, ví dụ như: “anh thật hài hước trong bữa tiệc tối qua”, và bỏ qua những lời chỉ trích.

    10. Hiểu khi nào thì khoảng cách là dấu hiệu của rắc rối

    Nếu bạn đã làm theo những lời khuyên này trong một thời gian mà sự xa cách của bạn đời vẫn là một vấn đề nghiêm trọng thì cũng đừng thất vọng: hãy nói rõ những trăn trở trong lòng bạn với bạn đời và giữ cho sự trò chuyện và giao tiếp giữa hai người không bị ngắt quãng. Và nếu vẫn không có gì khả quan hơn thì hãy tìm sự giúp đỡ từ bên ngoài. Nếu anh ấy không muốn cùng bạn đến gặp chuyên gia tư vấn về hôn nhân thì hãy tự đi một mình. Hãy chủ động thay đổi bản thân mình trước tiên.
     
    #1

Chia sẻ trang này