Diễn Đàn SEO - vnseo.edu.vn - 9qua.com: Thị trường rượu ngoạirượu tây, Tràn ngập tem giả, rượu giả! Tại thị trường TP.HCM, rượu ngoại dán tem giả chiếm gần 50% thị phần rượu ngoại đang tiêu thụ trên thị trường. Vào thời điểm lễ, tết, con số này còn cao hơn. Tem giả như tem thật! Ngày 31/8, Công an TP.HCM kiểm tra và bắt qủa tang Võ Văn Bé, hành nghề xe ôm đang giao 12 chai rượu Henessy V.S.O.P giả cho nhà hàng Mũi Né ở số 11B Thái Văn Lung, Q.1, TP.HCM. Từ đối tượng này, công an đã kiểm tra 4 địa điểm khác trên đường Cao Đạt (quận 5), Cao Thắng(quận 10), Dương Bá Trạc và Tạ Quang Bửu (quận 8) phát hiện đường dây sản xuất, tiêu thụ rượu ngoại giả quy mô lớn do Nguyễn Văn Hữu cầm đầu. Hàng nghìn chai, vỏ hộp rượu ngoại và các dụng cụ để pha chế bị thu giữ. Đáng lưu ý là rượu giả, được pha chế từ rượu ngoại thật, nước màu, cồn và hóa chất. Sau khâu “sản xuất”, rượu giả được phân phối đến các nhà hàng, quán bar ở địa bàn TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trước đó, Công an quận 8 đã phát hiện tại cửa hàng số 50 đường Cao Xuân Dục (quận 8) thu giữ 21 chai rượu ngoại dán tem giả. Đội Quản lý thị trường 4A (QLTT) kiểm tra, phát hiện tại số 10 đường Hải Triều (quận 1) thu 122 chai rượu ngoại nhãn hiệu Chivas, Hennesy, Jony Walkwer, StRemy dán tem giả. Đó là chưa kể, cơ quan chức năng còn thu giữ của đối tượng Dương Viết Hoàng (ngụ quận Tân Bình) 32 chai Johnnie Walker dán tem giả trùng số sêri. Kiểm tra số tem giả này bằng đèn tia cực tím, tem vẫn hiện lên dải Hologram (dấu hiệu để chống làm giả tem) giống như tem thật! Quản lý kinh doanh rượu ngoại: bó tay? Rượu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cho đến nay Sở Thương mại TP.HCM chỉ mới cấp 1.300 giấy phép kinh doanh rượu trên toàn thành phố. Theo khảo sát của giới kinh doanh, ở TP.HCM không dưới 3000 điểm kinh doanh, buôn bán rượu mạnh, tức gần gấp 3 lần số giấy phép được cấp. Theo ông Trương Trung Việt, Phó Giám đốc Sở Thương mại TP.HCM, Sở chưa hề cấp một giấy phép nào cho vũ trường, quán karaoke trên địa bàn thành phố kinh doanh rượu, mà chỉ cấp phép cho các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng tiêu thụ tại chỗ. Trong khi đó, tại các vũ trường, quán bar, karaoke hiện nay đa số đều kinh doanh rượu với doanh số lớn. Đây là nơi tiêu thụ rượu dán tem giả nhiều nhất. Một doanh nghiệp nhập khẩu rượu ngoại ở quận Bình Thạnh cho biết, lượng rượu nhập khẩu chính thức qua Hải quan chỉ chiếm khoảng 1/2 thị phần rượu ngoại đang tiêu thụ tại thị trường TP.HCM, số còn lại được “nhập” từ các nguồn: buôn lậu, cửa hàng, siêu thị miễn thuế và làm giả. Vào các dịp lễ, tết, rượu nhập lậu, rượu giả chiếm khoảng 60-65% thị phần. Ông Nguyễn Trí Vị, Đội trưởng Đội QLTT số 4A Chi Cục QLTT TP.HCM nhìn nhận, rượu ngoại dán tem giả chiếm gần 50% số lượng đang tiêu thụ tại thị trường TP.HCM, trong đó đa số là rượu mạnh. Rượu dán tem giả, tem quay vòng(sử dụng lại tem cũ) tràn lan. Trong năm 2005, Chi Cục QLTT TP.HCM chỉ thu giữ 2.574 chai rượu dán tem giả và 200 con tem giả chưa sử dụng. 8 tháng đầu năm 2006, tịch thu khoảng 2000 chai rượu ngoại dán tem giả - một con số qúa ít so với thực tế. Biện pháp mạnh chống tem giả, rượu giả? Để chống tình trạng sử dụng tem quay vòng (dùng tem rượu nhẹ dán trên chai rượu mạnh), mới đây Bộ Tài chính in 2 loại tem xanh (rượu nhẹ) và tem vàng (rượu mạnh). Một DN nhập khẩu rượu ở Đồng Nai cho biết, việc in 2 loại tem chỉ mới hạn chế được phần nào lượng tem quay vòng, không bài trừ được hàng lậu, hàng giả ! Trong khi đó, theo các chuyên gia chống hàng giả thì tem giả hiện nay được in sắc nét, các họa tiết, dấu chỉ để chống làm giả giống như tem thật vì thế rất khó phát hiện bằng mắt thường. Tem giả có thể được sản xuất từ Trung Quốc, sau khi tuồn vào Việt Nam và được tiêu thụ tại các điểm kinh doanh rượu như Tôn Thất Đạm, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Thông, các vũ trường, quán bar, giá bán lẻ từ 5000-7000 đồng/tem. Điều lạ lùng là tem giả được sử dụng tràn lan trên thị trường nhưng cho đến thời điểm này các ngành chức năng vẫn chưa xử lý được vụ in tem giả nào ? Theo Chi Cục QLTT TP.HCM thủ tục xử lý một vụ tem giả rất nhiêu khê. Để xác minh một vụ tem bằng công văn, chí ít phải có 3 công văn gửi tới 3 cơ quan (Tổng Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Thuế) nhiều vụ kéo dài 2 -3 tháng mới xong. Chính những rắc rối trong khâu xác minh nguồn gốc tem, đã làm cho nhiều cán bộ QLTT “buông” công việc, khiến hàng giả ngày càng lũng đoạn thị trường. Theo điều 164 của Luật Hình sự, tội làm buôn bán tem, vé giả quy định: “Người nào làm, buôn bán các loại tem giả, vé giả, với số lượng lớn…thì bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng hoặc phạt tù 6 tháng đến 3 năm”. Vấn đề đặt ra, dùng tem giả bao nhiêu mới được xác định là “số lượng lớn” ? Một con tem giả giá 7000 đồng, một nghìn tem giả 7 triệu đồng, nhưng số tem này dán vào 1000 chai rượu mạnh thì có bị xử lý hình sự hay không? Chính luật quy định không rõ và xử lý nhẹ tay nên tình trạng sử dụng tem giả mới tràn lan như vậy. Để chống tem giả, Chi Cục QLTT TP.HCM lần đầu tiên hợp tác với Phòng Khoa học hình sự (Công an TP.HCM) tiến hành giám định tem giả. Nhờ khoa học hình sự, chỉ trong chốc lát, công an đã phát hiện 18/20 chai rượu Hennesy vừa thu giữ ở P.5, Q.5 là giả. Tuy nhiên để có “liều thuốc mạnh” dẹp nạn tem giả, không chỉ có kiểm tra, thu giữ và xử phạt. Ông Trương Trung Việt – Phó Giám đốc Sở Thương mại bức xúc: “Thị trường TP.HCM như cái lòng chảo, hàng hóa tốt, xấu từ khắp nơi đổ về, chỉ một mình thành phố chống hàng lậu, hàng giả thì không xuể. Công việc này là vấn đề vĩ mô và đòi hỏi có sự góp sức của các ngành chức năng, của các tỉnh, thành khác. Song rất tiếc sự hợp tác này còn rất hạn chế”!