Diễn Đàn SEO - vnseo.edu.vn - Năm 2013 đang trải qua những ngày cuối cùng, những gì được kì vọng hầu như đều đã xuất hiện và làm thỏa mãn sự mong đợi của người dùng. Năm 2014 tới hứa hẹn điều tương tự cũng sẽ xảy ra, thậm chí tốt hơn. Dưới đây là 9 xu hướng công nghệ mới được nghiên cứu bởi IDC và được đăng tải bởi Business Insider sẽ cho độc giả cái nhìn gần hơn tới những gì sẽ xảy ra vào năm 2014 tới đây. 1. Chi tiêu CNTT tăng 5%, đạt 2100 tỉ USD Chi tiêu cho CNTT sẽ tăng tới 5%, trong số đó smartphone, MTB và các thiết bị thông minh sẽ tăng 15% so với cùng kì năm 2013. Bên cạnh đó, các trung tâm dữ liệu sẽ được tăng cường, đổi mới hơn nữa để tập trung cho các thiết bị di động như máy chủ, lưu trữ, mạng, phần mềm và dịch vụ. Tuy nhiên, máy tính cá nhân sẽ có sức mua giảm. Theo dự đoán thì doanh thu thị trường này sẽ giảm khoảng 6%. 2. Các thị trường mới nổi sẽ chi tiêu cho CNTT “như điên” Dự đoán các thị trường CNTT mới nổi sẽ tập trung hơn cho việc mua sắm các thiết bị công nghệ. Trong số đó, “nóng” nhất có Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc chiếm 13% mức chi tiêu toàn cầu, Trung Quốc sẽ dẫn đầu trong 4 quốc gia này. Cũng theo IDC, lần đầu tiên các nước có sức tiêu thụ yếu về công nghệ hơn tại châu Á, Mỹ Latin, Trung Đông và các nước châu Phi sẽ bắt đầu “chịu chi” cho các thiết bị công nghệ. Dự đoán mức tiêu thụ (trừ Mỹ và châu Âu) cho CNTT tăng 10%, lên khoảng 740 tỉ USD, chiếm 1/3 tổng lượng chi tiêu CNTT trên toàn cầu. 3. Kinh doanh CNTT sẽ đổ nhiều tiền hơn cho điện toán đám mây 2014 sẽ là năm điện toán đám mây được đẩy mạnh. Theo dự báo, mảng này sẽ chiếm khoảng 100 tỉ USD, tăng 25% so với năm 2013. Riêng với các nhà cung cấp dịch vụ, họ sẽ đẩy mạnh chất lượng hơn nữa, đặc biệt là nâng cấp phần cứng để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. 4. Sẽ diễn ra cuộc chiến “trên mây” giữa Google và Amazon Dự đoán Amazon Web Services sẽ bị đe dọa nghiêm trọng bởi Google. Sau đó, những doanh nghiệp tiền điện toán đám mây khác như Cisco, EMC, HP, IBM, Microsoft, Vmware sẽ “bám” rất sát 2 cái tên trên. Cùng với đó, dịch vụ điện toán đám mây sẽ ngày càng chuyên nghiệp hơn, phục vụ những ngành nghề chuyên biệt hơn và cụ thể hơn. 5. Microsoft sẽ bị đe dọa bởi ngành công nghiệp di động Sự gia tăng của các thiết bị di động đã diễn ra như “vũ bão” suốt 2012 – 2013 và dự báo sẽ không ngừng tăng lên vào 2014. Doanh số bán hàng MTB sẽ tăng 18%, smartphone là 12%, tạo nên một thị trường di động khổng lồ. Trong số này, Samsung và Apple tiếp tục thống trị thị phần và không ngừng tăng lên, đe dọa trực tiếp đến nền tảng thứ ba, nền tảng Windows Phone và Microsoft. Trong năm tới, các nhà phát triển cho Android sẽ kiếm được nhiều tiền hơn nhưng sẽ không thể vượt qua các nhà phát triển trên iOS. Riêng với Windows Phone, mặc dù đã có tín hiệu mừng nhưng nếu để gây dấu ấn, ít nhất Microsoft phải “tăng gấp đôi” lượng ứng dụng trên cửa hàng Windows Store của mình. 6. Chi tiêu cho dịch vụ dữ liệu lớn (Big Data) sẽ tăng Mức chi tiêu cho công nghệ và Big Data sẽ tăng trưởng 30% trong năm 2014, vượt 14 tỉ USD. Big Data được hiểu là tập hợp dữ liệu có dung lượng vượt mức xử lí cho phép, sự phức tạp của nó đến nỗi các công cụ xử lí dữ liệu bình thường không thể đảm nhiệm được. Tuy nhiên, đây lại là kho thông tin đáng giá, giúp được rất nhiều cho doanh nghiệp, tổ chức,… khi trích xuất thành công. Hiện tại, các hãng như Software AG, Oracle, IBM, Microsoft, SAP, EMC, HP và Dell đang khá “quan tâm” và “ chịu khó” đầu tư cho Big Data. 7. Phần mềm doanh nghiệp có thêm tính năng mạng xã hội Mạng xã hội doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh trong 2014 và phần mềm doanh nghiệp có tích hợp và hỗ trợ nó cũng sẽ tăng theo. Những phần mềm này sẽ đa dạng, nhiều lựa chọn hơn do có nhiều nhà sản xuất hơn. Ví dụ như một doanh nghiệp hiện nay có thể lựa chọn ứng dụng chat Facebook dành cho doanh nghiệp cho công ty mình. Nhưng trong năm tới, họ sẽ được lựa chọn một phần mềm tương tự nhưng có giá rẻ hơn. Đến 2015, hầu hết các phần mềm doanh nghiệp sẽ được tích hợp MXH bên trong. 8. Thời của crowdsource Năm 2014 này sẽ là thời của mô hình tận dụng nguồn lực mới, thay vì tự xây dựng thông qua đội ngũ nhân viên, crowdsource sẽ sử dụng ưu thế của đám đông, giúp doanh nghiệp khai thác ý tưởng, trí tuệ tiềm ẩn từ những người trên Internet, đời thường,…, giúp giảm chi phí và gia tăng chất lượng công việc. Với mô hình này, mạng xã hội cũng sẽ là ưu tiên hàng đầu để triển khai bên cạnh việc khảo sát, tìm kiếm ý tưởng trực tiếp. 9. Internet of Things phát triển Ra đời khá lâu, nhưng tới năm 2013, Internet of Things mới được Cisco và Salesforce bắt tay phát hành. Nói nôm na, đây là tập hợp các thiết bị có khả năng kết nối với nhau, với Internet và với thế giới bên ngoài để thực hiện một công việc nào đó. Trong năm tới, Internet of Things có thể sẽ chưa tạo ra dấu ấn nhưng đến năm 2020, nó sẽ tạo ra 8900 tỉ USD doanh thu. (Theo Business Insider)