Diễn Đàn SEO - vnseo.edu.vn - Bản thân adroid rất đẹp, nó sở hữu giao diện material design bắt mắt với các mảng màu sinh động và nhiều hiệu ứng chuyển động mượt. Tuy nhiên nếu chỉ bản thân hệ điều hành đẹp thôi vẫn chưa đủ, các ứng dụng mà chúng ta xài hằng ngày cũng phải được thiết kế theo phong cách mới thì mới tạo ra sự thống nhất trên toàn thiết bị. Có như vậy bạn mới tận hưởng hết những cái "sướng" mà Lollipop mang lại. Trong bài viết hôm nay mình xin giới thiệu với anh em những app như thế, và như thường lệ, nếu anh em có app nào vừa đẹp vừa ngon thì đừng quên chia sẻ cho mọi người nhé. 1. Ứng dụng nhắn tin Google Messenger Mặc định sau khi cài xong android thì ứng dụng nhắn tin có sẵn sẽ là Hangouts. Vấn đề là Hangouts khá rối, giao diện lại không dễ dùng như bao app SMS khác bởi nó còn được tích hợp nhiều tính năng của Hangouts Chat và Video Call nữa. Nếu không thích app này, bạn nên cài ngay Google Messenger. Đây cũng là một trình nhắn tin do Google viết ra, tuy nhiên nó rất đơn giản, dễ dùng và lại được thiết kế theo kiểu Material Design rất đẹp. Thậm chí mỗi cuộc hội thoại của bạn sẽ có màu khác nhau để tránh sự nhàm chán. 2. Ghi chú đẹp và nhanh với Evernote Ngay từ hồi tháng 9 Evernote đã cập nhật ứng dụng của hãng trên Android với giao diện theo phong cách Material Design. App giờ đây có thêm một nút dấu + nằm ở góc dưới bên phải màn hình để tạo ghi chú văn bản, ghi chú âm thanh, hình ảnh cùng vài chức năng khác. Ngoài ra, khoảng cách giữa các đối tượng đồ họa cũng lớn hơn, nút nhấn to hơn, menu được làm rộng hơn, hiệu ứng chuyển động mượt hơn. Cũng trong bản update mới nhất, Evernote cho phép người dùng Android chia sẻ cả một notebook của mình với bạn bè, lọc kết quả tìm kiếm theo nhiều mục khác nhau. 3. Quản lý file bằng Cabinet Beta Đây là một ứng dụng quản lý file, nhưng không như nhiều ứng dụng tương tự khác cho Android, Cabinet được chăm chút rất kĩ về mặt giao diện nên nhìn rất gọn gàng, hiện đại và không hề bị rối. Phần mềm này có tất cả những tính năng bạn kì vọng ở một ứng dụng quản lý file, bao gồm việc duyệt qua cấu trúc thư mục trong bộ nhớ trong (và cả khu vực hệ thống nếu máy đã root), sao chép, di chuyển tập tin, đổi tên, nén hoặc xóa tập tin. Bạn cũng có tùy chọn sắp xếp các file theo nhiều tiêu chí khác nhau và xem chi tiết thông tin của tập tin nữa. Dù mởi chỉ ở giai đoạn beta nhưng Cabinet chạy rất ngon lành, anh em dùng thử nhé. 4. Journal Bạn có thói quen ghi nhật ký hằng ngày? Nếu có, Journal chính là một app cực kì phù hợp cho bạn bởi giao diện của phần mềm rất đơn giản, thân thiện nhưng vẫn mang đậm chất Material Design với các mảng màu xanh lớn và hiệu ứng chuyển động mượt mà. App hỗ trợ bạn ghi nhật ký bằng văn bản truyền thống, đính kèm hình ảnh, gắn tag để dễ tìm nhật ký hơn và còn rất nhiều tính năng khác chờ bạn khám phá. Nếu bạn có xài đồng hồ Android Wear thì Journal cũng có hỗ trợ cho nền tảng này luôn. Nhật ký sẽ được đồng bộ với tài khoản Google Drive nên bạn không lo bị mất dữ liệu. 5. Nghe nhạc với Shuttle Music Ứng dụng nghe nhạc mặc định trên Android 5.0 là Google Play Music, tuy nhiên mình không thích app này lắm vì giao diện khá rối, thay vào đó mình sử dụng Shuttle Music. Phần mềm này hiển thị đầy đủ những bài hát bạn chép vào máy và như bao app nghe nhạc khác, bạn có thể duyệt qua thư viện nhạc của mình theo thể loại, theo những bài mới nghe gần đây, theo ca sĩ, album hoặc theo tiêu đề. Shuttle Music cũng được thiết kế theo kiểu Material với các hiệu ứng ngộ nghĩnh và nhiều mảng trắng xanh xen kĩ nhau. Ai bảo app nghe nhạc thì không cần phải đẹp chứ? 6. Chuyển đổi đơn vị cũng phải đẹp - S Converter Chỉ đơn giản là một ứng dụng chuyển đổi đơn vị, tuy nhiên S Converter thắng các đối thủ khác nhờ giao diện được làm đẹp mắt theo đúng phong cách Material Design, lại còn chăm chút cho từng icon một. Phần mềm này hỗ trợ chuyển đổi những đơn vị liên quan đến gia tốc, diện tích, tiền tệ, bộ nhớ kĩ thuật số, năng lượng, lực, nhiệt độ, độ dài, khối lượng và rất nhiều đại lượng vật lý khác. 7. Ứng dụng quản lý ảnh Piktures Dành cho những ai không thích ứng dụng Google Photos có sẵn trong Android 5.0: nếu bạn quá ngán giao diện rối rắm của Photos, mời bạn thử qua Piktures, đảm bảo bạn sẽ thích ngay giao diện nhẹ nhàng và rất thanh của phần mềm này. Giống như bao ứng dụng thư viện ảnh khác, app cho phép chúng ta duyệt tất cả ảnh chụp trong một nơi, xem ảnh theo từng album, đặc biệt có chế độ xem ảnh theo ngày chụp trên một giao diện lịch khá thú vị. Ngoài các thành phần đồ họa và hiệu ứng của Material Design, Piktures còn được tích hợp nhiều mảng trong mờ nên nhìn khá thú vị. 8. Quản lý Google Drive và Dropbox bằng dịch vụ đám mây với Unclouded Một ứng dụng cho Drive, một cho Dropbox? Thay vì sử dụng hai app riêng như thế, bạn có thể cài Unclouded là đủ. Ứng dụng này hỗ trợ bạn duyệt qua các tập tin của mình ở cả hai tài khoản, thực hiện việc tải về, đổi tên, di chuyển, xóa file cùng hàng loạt những tính năng không khác mấy so với Drive và Dropbox chính chủ. Đặc biệt, app thiết kế theo giao diện Material Design nên nhìn rất đã, cộng với đó là khu vực thông báo dung lượng còn trống của tài khoản rất dễ hiểu. À, nói thêm rằng với Drive thì bạn còn xem được Google+ Photos chiếm dung lượng bao nhiêu, Gmail bao nhiêu và Drive chung chung đang chiếm bao nhiêu. 9. Giấu tập tin bằng Andronigto Andronigto cho phép bạn giấu những tập tin riêng tư, bao gồm hình ảnh, tài liệu, video trong một cái "két sắt" được mã hóa 3 lớp. Chỉ có bạn với mã PIN hoặc mật khẩu chính xác mới làm cho chúng hiện ra lại, như vậy sẽ đảm bảo an toán hơn khi bạn xài điện thoại Android. Giao diện đẹp, đơn giản và nhanh chóng chính là những điểm cộng dành cho Andronigto so với những chương trình giấu tập tin khác đang có trên Play Store, lại miễn phí nữa thì quá yêu. 10. Đừng quên bộ gõ tiếng Việt Nãy giờ chúng ta đã cài hàng loạt app Material Design rồi, bước cuối cùng là cài thêm bàn phím của Android 5.0 Lollipop vào nữa là đủ bộ. Bạn có thể xài bàn phím tích hợp sẵn trong Android 5.0 cũng được nhưng ngặt nỗi lại không có bộ gõ tiếng Việt. Thay vào đó bạn nên sử dụng bộ gõ Laban Key rồi chuyển sang theme Android L. Bộ gõ này có thể nhập liệu theo kiểu TELEX hoặc VNI quen thuộc, lại hỗ trợ gõ tắt và nhiều tính năng khác.