Diễn Đàn SEO - vnseo.edu.vn - Trong xã hội hiện nay, rất nhiều người không biết cách làm ra tiền, hoặc đã làm ra tiền nhưng lại không biết cách "giữ" nó. Thực ra không phải lỗi của họ. Đó là vì thời còn đi học nhà trường đã không dạy người ta cách thức chi tiêu. Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy khó khăn khi đối diện với bài học lớn từ cuộc sống: đó là kiếm tiền, chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư cho con cái. Dưới đây là 10 điều bạn nên biết về cách quản lý và sử dụng tiền bạc. 1. Số tiền bạn kiếm được phải nhiều hơn số tiền chi ra Vào cuối ngày làm việc, bạn phải kiếm được số tiền nhiều hơn con số đã chi ra, để ngày mai còn có thể ngẩng đầu đi tiếp. Có thể những lúc khó khăn bạn phải dựa vào các khoản vay ngắn hạn, nhưng tựu trung lại, bạn cần phải đem về nhiều hơn là mang đi. Như người Việt đã có câu: "Tiền vào như nước sông Đà, tiền ra tí tách như cà phê phin". 2. Tiết kiệm từ sớm sẽ giúp bạn có nhiều tiền tiết kiệm Bạn có còn nhớ kiến thức về "lãi kép" hồi học Đại học? Đây chính là khoản lãi tính trên lãi, hay còn gọi là ghép lãi. Ngay từ khi còn học Đại học, hoặc mới ra đi làm, nếu bạn biết dành ra một khoản tiền tiết kiệm cho lúc nghỉ hưu, khi mua nhà, hoặc một quỹ dùng khi cần thiết, thì khoản tiền ấy sẽ ngày càng sinh sôi nảy nở, lãi chồng lãi. Đó là chính lãi kép. Bạn hãy đặt khoản tiền đó trong một tài khoản sinh lãi. Nếu bạn định đặt vào tài khoản chứng khoán, hãy đảm bảo rằng bạn có thể quản lý được sự lên xuống trong ngắn hạn của nó. 3. Lợi nhuận cao thì rủi ro cũng cao hơn Nếu bạn muốn giữ khoản tiền tiết kiệm ở một nơi nào đó an toàn, chẳng hạn như tài khoản ngân hàng, thì đồng nghĩa với việc bạn đã hy sinh một lợi nhuận cao hơn khi đầu tư vào một việc khác. Nếu bạn đầu tư vào thị trường chứng khoán, thì lợi nhuận của bạn sẽ tăng lên nhanh chóng, nhưng rủi ro cũng sẽ cao hơn. Vì thế, hãy nghĩ rằng đầu tư chứng khoán (hoặc các khoản đầu tư mang nhiều rủi ro khác) là sự đầu tư cho dài hạn, đừng vội "ăn xổi ở thì". Còn tiền tiết kiệm trong ngân hàng là khoản đầu tư ngắn hạn tốt nhất. 4. Đa dạng hóa các khoản đầu tư Chắc bạn từng nghe đến câu ngạn ngữ "Đặt tất cả trứng vào một giỏ". Câu này đặc biệt đúng khi áp dụng vào việc đầu tư. Nếu bạn đặt tất cả tiền bạc vào trong một cổ phiếu hoặc một lĩnh vực đầu tư duy nhất, bạn sẽ đối mặt với nguy cơ thua lỗ nếu lĩnh vực đó đối mặt với thời kỳ khó khăn. Đó là lý do vì sao các chuyên gia tài chính khuyến cáo mọi người nên có sự đầu tư đa dạng. 5. Tự bảo vệ mình trước những "nghệ sỹ" lừa đảo Đánh cắp nhận dạng cá nhân là một vấn nạn trong ngành dịch vụ tài chính ngân hàng. Cách tốt nhất để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến là bạn phải giám sát tài khoản của mình. Bạn hãy xem xét các báo cáo tài khoản hàng tháng và kiểm tra bất kỳ khoản chi nào mà bạn không nhận ra. Bạn có thể nhanh chóng thông báo cho ngân hàng nếu phát hiện thấy giao dịch lạ từ tài khoản của mình. Các ngân hàng sau đó có thể thay thế thẻ tín dụng hoặc số tài khoản cho bạn khi cần thiết. 6. Bảo hiểm để bước qua những ngày u tối Nhiều người không có thói quen nghĩ đến ngày mai, bởi vì họ là những người lạc quan. Không ai thích rơi vào trường hợp xấu nhất. Nhưng bằng cách bỏ một khoản tiền vào bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tàn tật hoặc bảo hiểm mua nhà, thì bạn có thể giúp đỡ cho chính mình hoặc các thành viên gia đình vượt qua thời điểm khó khăn. Trong khi chờ đợi đến thời gian được lĩnh khoản bảo hiểm, bạn có thể ung dung tự tại mà nghĩ rằng mình và những người thân yêu đang được bảo vệ. 7. Tự động hóa tiết kiệm Khi một khoản tiền được tự động trích ra từ tiền lương hoặc tài khoản ngân hàng và chuyển vào một tài khoản tiết kiệm hưu trí, thì bạn sẽ có được một khoản tiết kiệm có ý nghĩa theo thời gian. Bạn sẽ không phải lo lắng gì về việc đi ra ngoài chuyển tiền. Bạn cũng tránh được nguy cơ tiêu hết tiền trước khi gửi tiết kiệm. Công ty nơi bạn làm việc và ngân hàng sẽ thực hiện việc chuyển tiền tự động cho bạn. 8. Giảm thiểu gánh nặng nợ nần Xét trên khía cạnh tích cực thì vay nợ không phải là một điều xấu. Các khoản vay nợ ngân hàng giúp nhiều sinh viên gia cảnh khó khăn có thể học trọn vẹn 4 năm Đại học, hoặc giúp người ta có thể mua nhà khi mà số tiền tích lũy còn chưa đủ. Nhưng họ có thể gặp khó khăn nếu phải gánh các khoản nợ nhiều hơn số tiền làm ra, không thể trả tiền lãi ngân hàng theo định kỳ. Vì vậy, hãy tìm cách giảm tối đa gánh nặng nợ nần. 9. Theo dõi điểm tín dụng Điểm tín dụng là căn cứ để ngân hàng quyết định các khoản cho vay. Ở Mỹ có trang web annualcreditreport.com cung cấp miễn phí báo cáo tín dụng hàng năm cho những ai đăng ký. Người sử dụng có thể kiểm tra báo cáo định kỳ này để điều chỉnh các khoản vay nợ, cải thiện điểm tín dụng. Rất tiếc là trang web này không có hiệu lực tại Việt Nam. 10. Học, học nữa, học mãi Các kiến thức và kinh nghiệm về tài chính không bao giờ đủ cả, bởi vì ngành tài chính ngân hàng thay đổi không ngừng, với các sản phẩm mới, loại phí mới và cách thức mới để tiết kiệm và chi tiêu tiền bạc. Để đảm bảo rằng bạn có thể đưa ra được một quyết định tài chính chính xác, bạn cần học hỏi và cập nhật kiến thức thường xuyên về lĩnh vực này. Sau khi đọc bài viết này, nếu bạn đọc VnReview đang có dự định mua sắm smartphone hay tablet mới? Hãy thử tự hỏi xem số tiền bạn bỏ ra đầu tư cho chúng đã thực sự "smart" chưa?