NHỮNG LỄ HỘI CỦA NGƯỜI DÂN TỘC TẠI MAI CHÂU

Thảo luận trong 'Giải Trí' bắt đầu bởi Yolotravel, 18/6/14.

  1. Yolotravel PageRank 0 Member

    Tham gia ngày:
    19/5/14
    Không chỉ thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ mà vẫn không kém phần thơ mộng, du lịch Mai Châu nổi tiếng bởi các nét văn hóa vô cùng ý nghĩa và giá trị của đồng bào các dân tộc đang sinh sống ở nơi đây. Nào, hãy cùng YoloTravel khám phá những lễ hội đặc sắc của các dân tộc Thái – Mường – Tày ở Mai Châu, bạn nhé!

    1. Lễ hội Xên Bản, Xên Mường của dân tộc Thái

    Được tổ chức vào tháng 8 âm lịch hàng năm, lễ hội xên bản, xên Mường của dân tộc Thái ở Mai Châu là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của người Thái bên cạnh rất nhiều các lễ hội khác như lễ hội Cầu mùa, lễ hội Hoa Ban, lễ hội Hạn Khuống, Xíp Xí, Xòe Chiêng … Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng rất quan trọng trong đời sống tinh thần của dân tộc Thái nói chung và người Thái ở Mai Châu nói riêng.

    Lễ hội mang ý nghĩa hướng về nguồn cội, thể hiện tấm lòng biết ơn thành kính đối với công lao to lớn của những vị thần linh đã khai sáng ra Mường, cầu mong tổ tiên và các bậc thánh thần ban ơn phù hộ cho quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản mường no ấm.

    Những hoạt động trong ngày đầu tiên của lễ hội là làm lễ, múa hát, đánh trống chiêng. Sang đến ngày thứ hai sẽ diễn ra các cuộc thi bắn sung và cung nỏ, bên cạnh đó còn có rất nhiều trò chơi dân gian đặc sắc của người Thái như chơi cù quay, ném còn, hát đối đáp …

    2. Lễ hội Cầu Mưa của dân tộc Thái

    Chỉ riêng cái tên đã nói nên được mục đích chính của lễ hội. Lễ hội cầu mưa của người Thái ở Mai Châu được tổ chức vào tháng 3, tháng 4 hàng năm mỗi khi trời đại hạn, vào những đêm trăng quầng đỏ lửa. Người ta sẽ đi hát cầu mưa ở khắp các nhà rồi rước đuốc vòng quanh bản làng.

    Trong những ngày này, tấm lòng mỗi người con dân tộc Thái đều tha thiết hướng đến việc cầu mưa. Tạm gác lại đi những câu hát giao duyên tỏ tình của các đôi trai gái, giọng hát gieo vừng, gieo kê sẽ vang vọng từ núi này sang núi khác. Tất cả mọi người đều ca hát để cầu mưa, nhà nhà đốt đuốc xung quanh bản làng.

    3. Lễ hội Cồng Chiêng của dân tộc Mường

    Được tổ chức vào những ngày xuân, những ngày Lễ Tết và những ngày hội vui … tiếng cồng tiếng chiêng vang lên cầu chúc cho mỗi gia đình bình an và no ấm.

    Người ta còn biết đến lễ hội Cồng Chiêng của dân tộc Mường dưới cái tên gọi khác là lễ hội Xéc Bùa (lễ hội xách cồng chiêng đi hát của các phường Bùa). Những người biết hát và biết đánh cồng chiêng (Phường Bùa) khi đi chúc Tết hay chúc mừng các gia đình sẽ đi theo thứ tự, đánh chiêng, làm thơ theo lối ứng khẩu ca ngợi gia chủ, cầu chúc làm ăn phát đạt. Chủ nhà đổi lại sẽ mang lễ vật ra cùng hát đối đáp. Hết nhà này sẽ qua nhà khác.

    Những bài hát Xéc Bùa thường mang âm hưởng lạc quan và tươi vui. Phường bùa ít cũng có 5 đến 6 người, nhiều thì lên đến vài chục, tay xách cồng chiêng vừa đi vừa đánh. Những yếu tốc tự sự, trữ tình và diễn xướng nghi lễ được đan xen linh hoạt tạo nên nét đặc sắc và hấp dẫn của lễ hội này.

    4. Lễ hội Tồng Lồng (lễ hội Xuống Đồng) của dân tộc Tày

    Vào những ngày đầu xuân từ mùng 5 đến 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm, người Tày ở Mai Châu sẽ tổ chức lễ hội tạ lễ các vị thần Thành Hoàng, thần Nông, Sơn thần, Thủy thần …; lễ hội Tồng Lồng để cầu mùa, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm với rất nhiều các thành phần lễ hội sinh động.

    Những ngày này, tất cả mọi nhà trong bản làng đều tham gia làm lễ: nhà nào cũng có mâm cúng gà luộc, bánh chưng, thịt lợn, trứng luộc, xôi đỏ xôi vàng (tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng), trên mỗi đĩa xôi có một con én làm bằng giấy đậu lên. Tất cả những ước ao, khát vọng về một cuộc sống ấm no, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu đều được gửi gắm vào trong đó.

    Địa điểm diễn ra lễ hội là trong làng, dưới đồng, hay trên bờ suối. Những hoạt động thường xuyên diễn ra trong lễ hội là múa sư tử, ném còn, đi cà kheo, đánh quay, đẩy yến đá cầu, đẩy gậy, múa xòe, kéo co … Đặc biệt là mán hát đối đáp của nam nữ thanh niên người dân tộc Tày suốt đêm dài.


    Minh Ngọc
     
    #1

Chia sẻ trang này