Diễn Đàn SEO - vnseo.edu.vn - Bạn có phải là một người yêu du lịch và đam mê về văn hóa các dân tộc Việt Nam? Nếu câu trả lời là có, hãy đọc bài viết này – trong một hành trình thú vị khám phá về văn hóa ẩm thực của dân tộc Mường ở địa điểm du lịch Thung Nai nhé :x Không biết có bao nhiêu người giống như YoloTravel, khi nghe nhắc đến Thung Nai liền ngay lập tức tò mò về ý nghĩa và nguồn gốc hình thành cái tên của địa danh đó? Có những cái tên mới nghe qua không để lại ấn tượng gì cả, nhưng lại cũng có những cái tên gợi cho ta nhiều liên tưởng và gắn với đặc trưng của mỗi vùng miền. Thung Nai ở đây, là tên gộp của “Thung lũng” và “Con nai”, ngỏ ý rằng nơi đây trước kia chính là một thung lũng với núi cao và rừng rậm vây quanh, hươu nai hàng đàn trù phú. Nơi đây định cư chủ yếu là dân tộc Mường – một dân tộc với những nét văn hóa vô cùng độc đáo, đã tốn không biết bao nhiêu công sức và giấy mực của những nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu …để tìm hiểu và ca ngợi. Như đã đề cập ở phía trên, hôm nay YoloTravel không đi sâu vào tìm hiểu các khía cạnh văn hóa như trang phục, kiến trúc, tôn giáo tín ngưỡng … mà đặc biệt sẽ đi sâu vào văn hóa ẩm thực của người Mường. Nghĩa là nét văn hóa bộ lộ từ mỗi thói quen và sở thích ăn uống, phương thức chế biến và thưởng thức các món ăn cũng như đồ uống. Bởi lẽ người Mường sống tự do khoáng đạt bên những cánh rừng, dòng sông, con suối , bên nương rẫy và những thửa ruộng bậc thang … đồ ăn thức uống của họ cũng gắn liền với những món quà của thiên nhiên: rau quả hái lượm trên rừng, cá tôm đánh bắt dưới lòng sông, khe suối. Người Mường đặc biệt thích đồ muối chua. Những món muối chua hay canh chua không thể thiếu trong mỗi mâm cơm người Mường là củ kiệu, cà muối, dưa muối, đu đủ muối dưa tép, sắn muối dưa cá, thịt trâu nấu lá lồm, cá đồng nấu lá chau khao … Đặc biệt không thể thiếu những hũ măng chua trong góc bếp người Mường. Măng rừng quanh năm sẵn có và mọc nhiều nhất là vào mùa mưa, đem muối chua, xào với cá, với thịt gà, thịt vịt, thịt trâu, ong rừng … đều hợp. Người Mường cũng có một tình yêu không lời với măng đắng – sản vật của núi rừng phía Bắc. Người ta có thể chế biến măng thành rất nhiều món hấp dẫn tùy vào sở thích của từng người, có thể xào mẻ, luộc, hầm, hay đặc biệt là nướng – đối với những người sành ăn Người Mường còn có món Ớt nổi tiếng, là tổng hợp của ớt, lòng hay đầu cá, tiết luộc, ruột gà/vịt …băm kĩ cho lên màu, trộn với rau thơm cắt nhỏ. Món này không để làm gia vị xào nấu, mà để chế biến những món ăn riêng. Người Mường có thói quen bày cỗ trên lá chuối trong những ngày lễ Tết trong năm: đám cưới, đám hỏi, tang ma hoặc lễ cúng lớn …Mỗi món ăn lại có cách bài trí riêng tượng trưng cho một tín ngưỡng của người Mường. Phần ngọn và mép lá biểu thị Mường Sáng – mường của người sống; gốc và mang lá ngược lại biểu thị cho Mường Tối (Mường ma) – mường của người đã khuất. Chính bởi vậy, khi bày cỗ trên lá chuối có một quy tắc để phân biệt: Người vào, ma ra. (Nếu dọn cỗ cho người sống, ngọn lá phải hướng vào trong; nếu dọn cỗ cho người chết thì làm ngược lại). Quy tắc này đặc biệt phải tuân thủ nghiêm bởi nếu vi phạm có thể đem đến điềm dữ. Văn hóa rượu cần của người Mường cũng được quan tâm đặc biệt. Rượu cần người Mường là phải uống đông, uống cộng đồng, hòa mình trong những luật vui của các tuần rượu, hát dân ca Thường rang – Bô meng, hát đối đáp. Đây cũng là một nét đặc sắc văn hóa rất riêng của dân tộc, góp phần làm nên sức hấp dẫn của những con người trên mảnh đất này. Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng với YoloTravel đến Thung Nai để thưởng thức văn hóa ẩm thực dân tộc Mường chưa?